Trang chủTin tức - Sự kiện

Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050

Ngày 29/11, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội thảo tham vấn “Dự thảo Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050”. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chủ trì hội thảo.


 

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, hiện nay ngành nông nghiệp Việt Nam đang tồn tại hai vấn đề lớn. Đó là, ngành nông nghiệp vẫn phát triển dựa trên đơn ngành; sử dụng nhiều đất đai, chi phí đầu vào thay vì sử dụng yếu tố khoa học công nghệ hay những mô hình nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ. Muốn phát triển bền vững, ngành nông nghiệp cần chuyển đổi quan niệm và cấu trúc dựa trên việc phát triển những giá trị khác ngoài sản lượng. Những năm gần đây GDP đóng góp cho ngành nông nghiệp tăng nhưng chi phí đầu vào cũng tăng theo nên giá trị gia tăng bị giảm đi, thu nhập trực tiếp của người nông dân không đồng hành với sự tăng trưởng của ngành.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, thị trường hiện không chỉ mua nông sản dựa trên giá cả mà dựa trên nhiều giá trị khác như: không tác động tới biến đổi khí hậu, môi trường, sức khỏe của chính người nông dân… Ngành nông nghiệp cần định vị lại những giá trị cối lõi, tiếp cận xu thế tại tất cả những ngành hàng. Chiến lược phải hướng đến sự tăng trưởng bao trùm, tạo ra bao nhiêu việc làm, người nông dân được thụ hưởng sự phát triển của ngành nông nghiệp.

Theo Ông Cao Đức Phát – nguyên Phó Ban Kinh tế Trung ương, chiến lược cần có tư duy mới và hoàn toàn khác. Bối cảnh hiện nay đặt ra nhiều yêu cầu thay đổi tư duy. Sản phẩm nông nghiệp ngày càng không chỉ đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm của người tiêu dùng còn nhiều yêu cầu mới như: sản phẩm phát thải carbon thấp. Nông nghiệp Việt Nam không thể không thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Ngành nông nghiệp đang đóng góp 20% phát thải nên không thể đứng ngoài. Do đó, ngành phải thích ứng và tham gia tích cực để giảm phát thải khí nhà kính. Ngành phải giảm chi phí sản phẩm, tăng giá trị mặt hàng trong cả chuỗi giá trị. Đồng thời, phát huy các giá trị văn hóa, dân tộc, sinh thái và biến các giá trị này thành giá trị kinh tế trong nông nghiệp.

Ngành nông nghiệp còn nhiều dư địa phát triển trong chăn nuôi, thủy sản, trồng rừng nhưng không phải vô hạn. Một số lĩnh vực phải giảm như khai thác trên biển, đặc biệt là khai thác ven bờ.

Ông Cao Đức Phát cho biết, 20 năm qua động lực chính của nông nghiệp là đổi mới chính sách, tiếp đến là đổi mới khoa học công nghệ. Hiện vẫn còn dư địa để đổi mới chính sách nhưng động lực chính sẽ phải ở khoa học nông nghiệp vì trong điều kiện nguồn lực giảm thì khoa học công nghệ là động lực để tạo ra giá trị.

Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, trong bối cảnh mới, cần có một chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn mang tính hệ thống, có định hướng bao quát, dài hạn trong 10 năm và có thể có những tầm nhìn dài hạn hơn nữa. Chiến lược này hiện thực hóa định hướng của Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII; trong đó, quá trình tái cơ cấu nông nghiệp cần gắn chặt hơn với xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững gắn với những cơ hội về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thị trường. Từ đó, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Chuyển đổi mạnh mẽ từ nhận thức tới hành động về phát triển nền nông nghiệp bền vững theo hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái. Cùng đó, chuyển đổi tư duy của nông dân về phát triển kinh tế nông nghiệp, tập trung nâng cao giá trị, chất lượng, hiệu quả sản xuất; chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ “đơn giá trị” sang “tích hợp đa giá trị”. Ngoài ra, đẩy mạnh tư duy gắn kết chặt chẽ giữa nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ.

HNN (tổng hợp)

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác